Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009, tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước (tiến sĩ ngành Sinh lý thực vật và là chuyên gia đầu ngành về cây ca cao ở Việt Nam) muốn tìm một mảnh đất bạc màu để áp dụng các phương pháp canh tác phục hồi mà ông đã dày công nghiên cứu và chia sẻ rộng khắp trong giới khoa học cũng như cho bà con nông dân. Được một người quen giới thiệu ngọn đồi này và lúc ông đặt chân đến thì mảnh đất còn tệ hơn những gì ông có thể tưởng tượng. Ngọn đồi trơ trọi toàn đá là đá, cỏ cây không mọc nổi vì lớp hữu cơ bề mặt đã bị rửa trôi hoàn toàn. Ngọn nguồn cái tên Đồi Đá (Stone Hill) cũng là từ đây.
Tạm quen dần với những ngỡ ngàng ban đầu, ông hào hứng bắt tay vào cải tạo và phục hồi hữu cơ cho ngọn đồi 13ha. Ông bắt đầu bằng 180 chuyến xe chở đất cấp phối để tạo đường đi lên đồi (10 tấn mỗi chuyến), rồi thì có những lúc ông huy động hơn 20 công nhật một ngày chỉ để trồng cỏ và cây rừng để trả lại sinh khối cho đất, làm than hầm để cải tạo lý tính cho đất và là môi trường tốt để vi sinh vật cư trú, phát triển. Ông còn được gọi vui là tiến sĩ cỏ vì là một trong những người đi tiên phong trong việc nghiên cứu ứng dụng và phổ biến cây cỏ Vetiver ở Việt Nam để khai thác công dụng giữ đất ở những địa hình dốc, bờ ao, xử lý ô nhiễm môi trường, v.v…Phải đến mùa mưa năm sau, những cây ca cao đầu tiên mới được ông trồng xuống trên mảnh đất này và từ đó là một chuỗi những câu chuyện rất dài của những thành công, thất bại và bài học trong việc trồng cây trên đất dốc đã bạc màu.
Sau hơn 13 năm kiên trì phương pháp canh tác phục hồi của mình, Đồi Đá giờ đây đã trở nên xanh mát và cây cối rất đa dạng theo chuẩn vườn rừng. Bên cạnh phương pháp canh tác phục hồi (Regenerative farming), canh tác thuận tự nhiên (Permaculture) cũng là một phương pháp đã và đang được áp dụng tại Đồi Đá. Ông luôn tâm niệm làm sao có thể tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên (ánh sáng, nước) và thiên địch để canh tác.
Tất cả những nỗ lực này góp một phần không nhỏ vào việc cải thiện hệ sinh thái tại đây, những sinh vật kén chọn môi trường như đom đóm, bọ que dần dần kéo đến đông hơn. Về mặt kinh tế, sản phẩm Sô cô la mang thương hiệu Stone Hill cũng được định vị là dòng sản phẩm cao cấp trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận vì có hương vị rất đặc trưng của sự kết hợp trên 50 giống ca cao và sử dụng nguồn nguyên liệu có lẽ duy nhất ở Việt Nam vì không sử dụng thuốc diệt cỏ và bảo vệ thực vật. Các nông sản khác trong hệ sinh thái của Đồi Đá cũng được gieo trồng theo hướng đó và bắt đầu có một ít để giới thiệu đến những người ủng hộ lối canh tác này. Ở Đồi Đá có những cây từ lúc gieo trồng cho đến lúc thu hoạch không hề có yếu tố tác động của con người và cũng có những cây có tác động đôi chút, tuy nhiên tất cả đều nằm trong mô hình khép kín vườn – ao – chuồng – rừng để tối đa hoá chuỗi giá trị và hướng đến một lối sống lành mạnh, tự cung tự cấp.
=> Đọc và tìm hiểu thêm về Đồi Đá (Stone Hill) TẠI ĐÂY nhé!
13 năm qua là câu chuyện với bao khó khăn của Thầy. Nhưng không vì thế mà cộng đồng Đồi Đá ngủ quên trên chiến thắng. Có Đồi và có cây, dần dần nhiều bạn trẻ xuất hiện tại đây hơn, đóng góp sức mình tiếp tục giữ gìn và xanh hoá quả đồi, đồng thời tận dụng những thành quả hiện tại để lan toả cho xã hội thông qua các buổi chia sẻ kiến thức làm nông; tổ chức các buổi ngoại khoá cho các em học sinh, sinh viên được vui chơi, giao lưu và tận hưởng thiên nhiên… Miễn là không đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của việc phục hồi sinh thái, cộng đồng Đồi Đá không ngại để chia sẻ, thử và tiếp tục hợp tác với những ý tưởng mới, con người mới trong tương lai.