Nông nghiệp tuần hoàn
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn (circular agriculture) hay còn gọi là kinh tế tuần hoàn (circular economy) là một mô hình phản ánh việc mình tạo ra một vòng tròn khép kín trong sản xuất nông nghiệp, làm sao để rác thải của quy trình trước trở thành đầu vào của quy trình tiếp theo.
Mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC) mà trước đây ông bà mình áp dụng cũng được xem là một dạng của nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên không phải mô hình VAC nào cũng có thể trở thành nông nghiệp tuần hoàn. Lấy ví dụ bạn trồng sầu riêng (vườn), nuôi heo (chuồng) và nuôi cá sấu (ao) thì không gọi là kinh tế tuần hoàn vì phế phẩm của sầu riêng không phải là thức ăn chính của heo, cá sấu không xơi phân heo nên mô hình này mặc dù có đầy đủ 3 thành phần cơ bản của nông nghiệp tuần hoàn nhưng lại chưa tạo ra được một vòng tròn khép kín. Nếu thay sầu riêng bằng chuối, thay heo bằng dê và nuôi cá rô phi thay cho cá sấu thì đây đích thị là dạng cơ bản nhất của nông nghiệp tuần hoàn. Lợi ích to lớn của kinh tế tuần hoàn là tăng thu nhập cho người chủ vườn đồng thời tối ưu hoá rác thải ở từng công đoạn.
Và bên dưới đây, farm sẽ chia sẻ mô hình kinh tế tuần hoàn tại Stone Hill Farm để quý bằng hữu nào thấy hữu ích thì có thể thiên biến vạn hoá theo điều kiện của mình nhé. Mô hình kinh tế tuần hoàn tại Stone Hill Farm là Vườn – Ao – Chuồng – Rừng.
– Rừng: Cây rừng trồng đầu nguồn, trên đỉnh đồi trở xuống đến giữa sườn đồi mục đích phủ xanh đồi trọc, phục hồi mạch nước ngầm, chống xói mòn, phục hồi hệ động thực vật bản địa. Chính phẩm: gỗ (khi cây già chết). Phế phẩm: cành lá cây rừng.
– Vườn ca cao: Trồng ca cao từ giữa đỉnh đồi trở xuống xen với cây rừng làm mục đích che bóng (keo dậu, albizia, xoang, lõi thọ,…) và trồng lá lốt làm lớp cỏ che phủ. Thành phẩm: hạt ca cao. Phế phẩm: cành, lá ca cao lúc tỉa chồi vượt, vỏ trái ca cao, cành lá cây che bóng, cỏ che phủ….
– Vườn mẫu: Phần đất thấp hơn và gần nhà để tiện việc tưới tiêu, chăm sóc đặc biệt. Vườn mẫu trồng ca cao xen với cây rừng, cây ăn trái, cây tinh dầu, cây gia vị, cây che phủ. Thành phẩm: Ca cao, trái cây, cây gia vị, tinh dầu tự cung tự cấp. Phế phẩm: tương tự vườn ca cao.
– Vườn rau gia đình: Tự cung, tự cấp rau ăn lá, một vài loại củ quả.
– Chuồng: Nuôi dê, nuôi ruồi lính đen, nuôi gà. Tất cả phế phẩm từ vườn đều có thể làm thức ăn cho dê (dê là loài ăn cỏ tạp). Chính phẩm: Thịt, sữa. Phế phẩm: phân dê. Ruồi lính đen để xử lý rác thải nhà bếp và lấy ấu trùng làm thức ăn cho gà, cá. Gà dùng để bắt mối trong vườn, phân gà cung cấp dinh dưỡng cho cây.
– Ao: Nuôi cá rô phi. Phân dê có thể dùng làm thức ăn cho cá rô phi. Cá rô phi ăn tạp có thể xơi phần lớn tất cả rác thải nhà bếp. Nước từ ao bơm tưới lại cho vườn.
Trong mô hình này còn rất nhiều điểm để có thể gia tăng giá trị của phế phẩm. VD: lá lốt phơi khô, nghiền bột làm thảo dược ngâm chân, nước ép ca cao (phần phải ép bỏ trong quá trình lên men) dùng làm rượu ca cao hoặc cider, nuôi thêm trùn quế, nuôi thêm nhiều loại cá…nói chung là còn nhiều cái có thể làm lắm. Càng đa dạng động, thực vật trong mô hình thì càng dễ dàng gia tăng giá trị.
Trong hình là chuối sấy tại Stone Hill Farm. Trái chuối vừa chín tới cho đến trước khi thâm đen dùng để ăn như trái cây. Chín thâm ra da vẫn có thể ăn được hoặc dùng làm bánh, làm giấm, làm siro, làm chuối sấy. Thậm chí chuối chín thâm đen thui tưởng vứt đi rồi thì đây lại là nguồn nguyên liệu chất lượng cao để cho ra miếng chuối sấy tươm mật, màu cánh gián bắt mắt như trong hình. Ngay cả trong một quy trình mà nếu ta quan sát thì cũng có khối thứ để làm trước khi vứt ra làm phân bón cho cây.
Nhân tiện farm xin thông báo là vừa ra lò mẻ chuối sấy chiều nay vàng ươm thơm lừng luôn ạ. Mời bạn ủng hộ người nông dân nhé.
Giá bán 160k/gói 0.5kg (ship tứ phương)