Chia sẻ từ thầy Phạm Hồng Đức Phước.
Từ khi đề xuất việc sử dụng cỏ mỹ để phục hồi sức khỏe đất vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (nơi loài cỏ này hiện diện phổ biến trong 50 năm nay) tôi nhận được một số ý kiến thảo luận/tranh luận/phản biện từ nhiều người. Hầu hết các “người lớn” phản bác/cảnh báo đề xuất này. Các ý kiến ủng hộ lại đến từ các bạn trẻ đang làm nông nghiệp, đang có những hoạt động liên quan đến nông nghiệp. Tất cả ý kiến khen hay chê đều giúp tôi rất nhiều trong việc nhìn lại, đánh giá lại khi sử dụng loại cỏ này. Khá trớ trêu là các đặc tính được cho là hại từ các comments thì tôi lại thấy đó là ưu điểm và đúng là cái tôi đang cần và càng thôi thúc tôi sử dụng nó. Các comments đến rời rạc, liên quan đến nhiều status khác nhau nên khó theo dõi. Tôi muốn tổng hợp đợt thảo luận này để có cái nhìn tổng thể và mong các cao nhân góp ý thêm. Các comments (chữ in) và ý tôi (chữ thường) tập trung vào những vấn đề sau :
- KHÔNG! ĐỪNG! CỎ MỸ NGUY HIỂM LẮM. Vâng, cho tới nay gần như ai cũng thấy cỏ mỹ quá nguy hiểm do xâm lấn tràn lan, ăn hết dinh dưỡng đất, cháy quá khủng, … Do đó toàn xã hội đã đổ không biết bao nhiêu trăm ngàn tấn thuốc diệt cỏ để ngăn chặn, cố diệt, tận diệt. Thấy cỏ mỹ đốt được là đốt ngay cho nó chết. Rất tiếc là chưa thành công, và có lẽ sẽ không bao giờ thành công theo hướng này. Cỏ mỹ hàng năm vẫn phát tán càng lúc càng rộng và sống khỏe còn chúng ta chết dần, chết mòn vì hóa chất độc hại kia vì lượng CO2 phóng thích vào không khí.
Lưỡi gươm rất nguy hiểm, chuyện đó ai cũng biết rồi nhưng nếu né tránh thì muôn đời nó vẫn là lưỡi gươm nguy hiểm. Vấn đề là “hãy cùng nhau rèn lưỡi gươm thành lưỡi cày”. Chính vì vậy nên mới có câu chuyện này. (Hình: Let us beat swords into plowshares) - KHÔNG! CỎ MỸ XÂM LẤN MẠNH TRONG MÙA MƯA. Có nghĩa là không trồng mà tự mọc, không chăm mà tự lớn, không mời mà tự đi vào vườn và sau đó cung cấp cho ta cái đang rất cần là chất hữu cơ. Như vậy là trúng số, là của trời cho không lo đi khai thác mà sử dụng còn than phiền gì nữa. (Hình: không cần gieo trồng cỏ mỹ tự mọc giữa 2 hàng ca cao làm nhiệm vụ chắn gió, che bóng và nguyên liệu tủ gốc vào mùa khô)
- KHÔNG! CỎ MỸ CẠNH TRANH HẾT DINH DƯỠNG CÂY TRỒNG. Có lẽ đây là vấn đề mấu chốt nhất cần phải hiểu rõ khi giữ cỏ, đưa cỏ (bất kỳ loại cỏ gì) vào trong vườn cây lâu năm để thực hiện hướng canh tác phục hồi. Cỏ chắc chắn sẽ lấy dinh dưỡng từ đất và thường hấp thu mạnh hơn cây trồng nên nếu trong vườn không đủ dinh dưỡng khoáng cây trồng sẽ bị xấu ngay và cỏ sẽ lấn át. Do đó nên muôn đời nay là trồng cây thì phải làm cỏ. (Hình: ca cao và cỏ mỹ đều sinh trưởng mạnh, không có triệu chứng thiếu dinh dưỡng)
Để chạy được bộ máy quang hợp cây xanh cần chất khoáng. Cứ một đơn vị trọng lượng chất khoáng (đa, trung và vi lượng) cây xanh hút được sẽ tổng hợp được chất hữu cơ với lượng 20 – 30 lần hơn so với lượng chất khoáng hút vào. Lượng chất khoáng cây hấp thu sẽ trả lại đầy đủ cho đất trong khi hoai mục sau khi tủ gốc, cày vùi, làm phân ủ. Đây là sự cho vay quá lãi thì tại sao ta không mạnh dạn bón phân cho cỏ theo nhu cầu. Nếu cỏ đủ phân khoáng để tăng trưởng thì không lấy phần của cây trồng và khi đó không còn có chuyện cạnh tranh dinh dưỡng nữa. Nếu không muốn đầu tư chất hữu cơ thông qua cây cỏ thì cứ để cỏ mỹ mọc tự nhiên nó cũng cho sinh khối rất đáng kể vì loài cỏ này có khả năng huy động chất khoáng dạng khó tiêu trong đất rất tốt. Thu hoạch cỏ và tập vào gốc quanh vùng rễ của cây trồng thì cũng không còn chuyện cạnh tranh dinh dưỡng nữa. (Hình: dùng cỏ tủ gốc để kiểm soát cỏ mọc vùng rễ cây trồng) - KHÔNG! CỎ MỸ CHÁY MẠNH LẮM. Tôi đã từng cắt thử một nắm cỏ tranh, một nắm cỏ mỹ và một nắm rơm (cắt nguyên thân và tất cả đều khô) với trọng lượng tương đương để đốt thử. Kết quả là tất cả đều bắt lửa nhanh như nhau nhưng cỏ mỹ không cháy hết và kết thúc sớm vì có thân to hơn, cứng hơn, đặc ruột hơn hai loài kia. Nhưng trong thực tế thì cánh đồng cỏ mỹ cháy rất mạnh, ai cũng thấy và điều đó đúng. Lý do??? Cỏ mỹ sinh trưởng quá khỏe, tạo sinh khối quá khủng kể cả những nơi đất xấu nên khi khô rũ, rớt xuống làm thành một lớp hữu cơ dày hơn hẳn các loài cỏ khác. Nếu mọc tự nhiên và không bị cắt, phát lần nào trong mùa mưa thì cỏ mỹ cao trên 2m. Với 2 yếu tố trên (nhiều nguyên liệu để cháy và tiếp xúc nhiều oxi khi cháy do thân cao thoáng) nên khi cháy sẽ cháy dữ dội hơn so với các loại cỏ khác. Đặc tính sinh khối lớn là việc tôi đang cần tìm để cải tạo đất nhanh. Và một khi đã có ý sử dụng thì chẳng ai ngu dại gì để im cho nó lớn thích, rồi để cho nó khô rồi lại la làng cháy, cháy. Khi cỏ còn non bạn cắt cỏ nuôi bò (vườn tôi bị hàng xóm qua chôm thường xuyên và họ bảo, khi bắt gặp, cỏ này rất tốt cho bò cái đang nuôi con), khi cây lớn hơn (để có nhiều sinh khối) thì cắt làm phân ủ, tủ gốc để hạn chế cỏ mọc sát gốc cây trồng vào mùa mưa và giữ ẩm mùa khô. Nếu chỉ cần làm 2 việc đơn giản trên thì mùa khô cỏ có còn đâu mà cháy. Ai đó làm nông mà biếng lười cứ để im vậy cho cỏ ngã, cho khô rồi bị cháy thì có lẽ cũng nên bỏ đất đi kiếm nghề khác mà làm thì vừa.
- CỎ MỸ KHÔ VÀO MÙA KHÔ SẼ LÀM GIÁN ĐOẠN SINH TRƯỞNG. Trên vườn có nhiều loại cây, cây này khô thì có những loài cây khác còn xanh. Mục tiêu chính ở đây là ta cần lượng hữu cơ khủng với chi phí là epsilon để cải tạo đất nhanh. Cỏ mỹ thỏa mãn tiêu chí này. Một khi đất khỏe rồi thì sự sinh trưởng của cây mạnh mẽ, màu xanh sẽ mênh mông và liên tục quanh năm, kể cả mùa khô, đến từ cây trồng chính. Lúc đó lo gì sự sống trên vườn bị gián đoạn.
Thật ra những nơi đất quá xấu, bạc màu, nghèo hữu cơ thì vào mùa khô khắc nghiệt không có cây cỏ nào còn xanh được kể cả cây cỏ thần kỳ (vetiver). Cách đây 15 năm, khi tôi đưa vetiver ra Diên Khánh để chống sạt lở đoạn đường mới làm đi lên mộ Yersin thì tất cả cỏ vetiver sau 10 tháng trồng khi đến mùa khô đều khô cháy hết. (Hình: Vetiver ở một đoạn taluy ở Diên Khánh, Khánh Hòa vào mùa khô). - KHÔNG! RỄ CỎ MỸ MẠNH LẮM, NHƯ CỎ TRANH VẬY. Tôi chỉ sợ không được vậy chứ nếu vậy tôi mừng. Một trong những kỹ thuật trong concept của regenerative farming là hạn chế cày xới. Cày xới, nhất là nơi đất có độ dốc, sẽ làm cho đất bị xói mòn, rửa trôi nhanh, hữu cơ trong đất phân hủy nhanh nên tiến trình thoái hóa đất nhanh. Tôi cần một bộ rễ đâm ngang mạnh như cỏ tranh (hơn thì càng tốt) và sâu như vetiver để sử dụng nó như lưỡi cày sinh học để xới xáo đất, đưa hữu cơ (khi cây chết) phát tán rộng và sâu trong đất để đất nhiều hữu cơ, tơi xốp nhưng không bị rửa trôi và xói mòn.
- ĐỪNG SỬ DỤNG CỎ MỸ MÀ PHẢI SỬ DỤNG CÂY HỌ ĐẬU NHƯ LẠC DẠI, TÊN KHOA HỌC CỦA NÓ LÀ BLA BLA, NÓ CỐ ĐỊNH BLA BLA, … Cũng vui là còn có người nghĩ tôi là ông thầy cúng (vì đôi khi được gọi bằng thầy) tập làm nông nghiệp, chả biết gì nên chân thành giới thiệu tôi các loài cây họ đậu và các công dụng của nó khá chi tiết và khuyên dùng. Đây là 1 topic trước đây tôi cũng rất thích và thường xuyên rao giảng ở đại học và luôn xuất hiện trong các tài liệu tôi biên soạn. Tôi đã trực tiếp sử dụng kỹ thuật này trên 10 ha, trồng để trình diễn, để minh họa thông tin mình đã giảng dạy và không tính đến hiệu quả kinh tế cụ thể vì công trồng công chăm sóc thì đã có nhà nước, dự án trả lương rồi. Khi trở thành nông dân thực thụ, dùng tiền túi của mình để mua giống, thuê công trồng, trồng xong chẳng may gặp nắng phải thuê công đi kéo ống tưới nước, tưới xong cây chưa kịp bén rễ lại phải thuê công nhổ cỏ vì các cây cỏ khác lớn nhanh lấn át cỏ vừa trồng thì lúc đó mới ngộ ra rằng việc khuyến cáo sử dụng cụ thể là cây lạc dại để làm cây che phủ trong sản xuất nông nghiệp là khuyến cáo bá láp, nhất là trên diện tích rộng. Một nhúm hữu cơ do lạc dại tổng hợp được cũng như lượng đạm cố định từ không khí (các tài liệu nghiên cứu đã phổ biến) thì không là gì so với số tiền đã bỏ ra. Lấy tiền trồng lạc dại đi mua hữu cơ và phân đạm thì sẽ được số lượng nhiều hơn nhiều. Chính vì vậy mà cho đến nay dù thông tin về cây này tràn lan, được giảng dạy, được khuyến cáo nhưng cũng chả ai làm ngoài trừ mục tiêu là trồng làm cảnh quan, làm đẹp. Cỏ mỹ giải quyết được các vấn đề trên với chi phí gần như zero. (Hình: Lạc dại bị cỏ khác lấn át rất nhanh vào mùa mưa)
- KHÔNG! CỎ MỸ THU HÚT MỐI DỮ LẮM. Có hữu cơ nào mà mối không ăn. Nếu nơi đã có mối thì ta đưa bất kỳ loại vật liệu nào để tủ gốc như rơm rạ, thân lá bắp, vetiver, carton mối đều ăn hết chứ cứ gì cỏ mỹ. Vấn đề là trong trường hợp đó ta phải trừ mối thôi.
- KHÔNG! CỎ MỸ CHẬM PHÂN HỦY. Khi khuyến cáo dùng vật liệu hữu cơ để tủ gốc nhiều người than phiền là tốn công quá vì cắt cỏ tủ xong cỏ mục mất rồi lại phải tốn công tủ lại. Nếu đúng là cỏ mỹ khó mục và nếu tủ một lần để giữ ẩm mùa khô và suốt mùa mưa không cần tủ lại để hạn chế cỏ mọc sát gốc thì đúng là “nó đầy rồi” chứ tại sao lại chê. Tuy nhiên nếu cỏ mỹ có đặc tính này thì khi sử dụng như nguyên liệu làm phân ủ thì thời gian sẽ chậm hơn. Nhưng khi ủ phân nếu sử dụng Trichoderma harzianium thì sẽ không còn là vấn đề.
- KHÔNG! VIỆC NÀY MỚI LẮM, KHÔNG NÊN VỘI PHỔ BIẾN MÀ PHẢI LÀM THỬ TRONG 5 ĐẾN 10 NĂM MỚI KẾT LUẬN THÌ MỚI CHẮC. Tôi tính dùng cỏ mỹ để chăn nuôi và nếu chưa ai làm, may quá người ta dùng cỏ này nuôi bò từ lâu rồi, thì có lẽ tôi chỉ cần 10 giờ (nói đại, mong các chiên da chăn nuôi chỉ giáo) vì nếu cỏ độc không chăn nuôi được thì thời gian đó đủ để bò chết rồi. Đâu cần gì 10 năm. Còn việc dùng cỏ để tủ gốc làm phân ủ, mặc dù tôi đã vắt chân lên trán suy nghĩ cũng không thấy nó nguy hiểm chỗ nào để cần 5 – 10 năm thử nghiệm. Nếu khuyến cáo dùng cỏ mỹ để ngâm rượu cho người uống bổ thì có lẽ phải cần 5 – 10 năm thử nghiệm thật.
- TRONG VƯỜN THẤY CỎ NÀY RẤT NHIỀU NHƯNG CHƯA THẤY HIỆU QUẢ NÊN CHƯA DÁM LÀM. Chưa làm thì làm sao thấy được hiệu quả? Dân làm vườn mà có được một đống hữu cơ nằm ngay tại chỗ mà không biết làm gì thì là có vấn đề rồi.
Việc tôi còn lăn tăn cho tới nay là sự phát tán mạnh quá sẽ làm giảm sự đa dạng sinh học trong agroecosytem. Một trong những tiêu chí quan trọng trong canh tác phục hồi là làm tăng sự đa dạng sinh học. Nhưng nêu ra đây cũng là câu trả lời. Không biết thì thôi, biết rồi thì sẽ có cách. Cách nào??? Hồi sau sẽ rõ.