Chia để dễ trị!

Trong các nguyên tắc thiết kế trang trại của phương pháp Permaculture thì việc phân khu cho những loại cây trồng khác nhau rất quan trọng. Việc này sẽ giúp bạn sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên cũng như tài chính của mình. Ví dụ như ở Đồi Đá, phần diện tích đất gần đỉnh đồi là nơi có hàm lượng hữu cơ cực kỳ thấp, xa nguồn nước và xa nơi sinh hoạt nên tụi mình dành hẳn 8ha trên đó để trồng rừng. Cây rừng có sức sống khá mạnh, ít tốn công chăm sóc mà một khi đã tạo được bóng mát trên kia thì nó sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc phục hồi hệ sinh thái và mạch nước ngầm cho khu vực bên dưới. Phần giữa đỉnh đồi trở xuống được trồng ca cao xen kẽ với cây rừng. Phần gần nơi sinh hoạt và gần nguồn nước nhất vẫn là cây ca cao nhưng ngoài cây rừng còn xen với cây ăn quả, cây tầng thấp ưa bóng râm như nghệ, gừng, lá lốt,…gần khu sinh hoạt nhất thì là vườn rau gia đình.

Ở Đồi Đá do diện tích lớn mà nguồn nước hạn chế nên có những chỗ đến tận bây giờ vẫn chưa được tác động cải tạo gì ngoài việc trồng khoai mì và để cỏ mọc tự nhiên nhằm giữ ẩm, tránh ánh nắng rơi trực tiếp xuống đất. Việc trồng những loại cây này còn có một tác dụng phụ khác là rễ của nó sẽ thúc đẩy quá trình phong hoá, đá nhanh trở thành đất hơn. Điển hình như khu vực gần hồ lớn, xung quanh là những tảng đá to được múc lên từ lòng hồ. Ban đầu thầy cắm mấy cành khoai mì xung quanh, phác tới phác lui mấy bận mà hôm qua khi đào đất lên để cải tạo trồng bầu bí thì thấy phần đá gần rễ cây đã bị mục đi nhiều, thật tốt biết mấy.

Tháng 3 nắng đổ lửa, đất thì vẫn còn đá nhiều lắm nhưng cứ đào sâu tầm 40cm, dùng than hầm, tro trấu, phân chuồng để cải tạo lý tính đất thật tốt, cung cấp đủ dinh dưỡng thì bầu bí là loại cây rất phù hợp do rễ của nó phát triển tốt ở độ sâu này. Vừa vặn thay có một lối đi ngay đó nên giăng luôn một cái giàn cho bọn nó leo: vừa có lối đi mát mẻ, vừa có thứ ngon lành để bỏ bụng.

Sẽ còn nhiều cái để chia sẻ lắm mà lớp “Nông dân thực chiến” thì còn hai chỗ cuối cùng thôi. Mời bạn đến Đồi Đá tháng 3 này học làm vườn nhé.