Bài viết trước đã đề cập đến việc dùng cỏ để phục hồi hữu cơ cho đất. Trong khuôn khổ bài viết này, farm sẽ giới thiệu thêm với các bạn một số loại cỏ đang được sử dụng tại farm nha.
Về nguyên tắc, bất cứ loại cỏ cây nào cũng đều có thể sử dụng để phục hồi hữu cơ cho đất. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào thế đất và tốc độ sinh trưởng của cỏ cũng như thời gian bạn cần để phục hồi hữu cơ mà sẽ chọn loại cây, cỏ phù hợp. Xét trên địa hình đất dốc, bạc màu và thiếu nước ở Đồi Đá thì các loại cỏ sau đã và đang được sử dụng:
1. Cỏ đuôi chồn (cỏ Mỹ)
Loài cỏ này có đặc tính sinh trưởng nhanh, mọc được trên điều kiện đất vô cùng xấu, khả năng xâm lấn lớn và đặc biệt là khô cằn, dễ bắt lửa vào mùa khô nên nghe đâu trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ tận dụng đặc tính này để châm lửa đốt sạch các vùng ẩn nấp của du kích.
Loài cỏ này vừa cho sinh khối vừa sở hữu đặc tính tái sinh mạnh nhờ vào khả năng phát tán hạt giống thành ra đối với đa số nông dân đây là kẻ thù không đội trời chung. Còn ở Đồi Đá, nó lại là loài cỏ tiên phong trong công tác phục hồi hữu cơ. Việc phát tán và xâm lấn thì có rất nhiều cách để kiểm soát như cắt thấp lấy sinh khôi thường xuyên, đến khi cây trồng chính vượt qua khỏi độ cao của cỏ và khép tán thì tự dưng cỏ sẽ giảm dần.
2. Cỏ sả lá nhỏ
Cỏ sả tốc độ nhảy bụi vô cùng nhanh và cho sinh khối lớn. Đặc điểm nổi bật nhất của cỏ sả được ứng dụng trong mô hình canh tác phục hồi là tốc độ tăng trưởng nhanh sau khi cắt sát gốc. Cỏ sả phát triển mạnh trong điều kiện được chiếu sáng trực tiếp nhưng cũng có thể sống được dưới bóng che. Nếu vào mùa mưa độ ẩm thuận lợi thì hầu như mỗi tháng đều phải cắt một lần. Cỏ sả dễ trồng và ngoài việc cho sinh khối thì cũng có tác dụng chống xói mòn, giữ lớp hữu cơ bề mặt nhờ vào bộ rễ chùm và thân, lá phát triển che kín hết bề mặt.
3. Cỏ tranh
Mọc nhiều trên đất xấu, cứng, thiếu nước (các loài khác không mọc được). Rễ cỏ tranh khoẻ, có thể len lõi vào lớp đất nhiều sét. đất bị nén. Cỏ tranh phát triển tốt khi nhận được ánh sáng mạnh, trực tiếp. Khi bị che sáng, cỏ tranh tăng trưởng kém dần và chết đi.
4. Cỏ Vetiver
Vetiver được trồng chủ yếu là để giữ đất, chống xói mòn trên địa hình dốc và các bờ ao, bờ taluy (bài viết sau sẽ phân tích cụ thể về Vetiver) ngoài ra ta hoàn toàn có thể thu lá để đan lát làm tấp lợp nhà, làm phân xanh… Nếu so sánh giữa cỏ sả và cỏ vetiver trên phương diện lấy sinh khối và trên điều kiện đất không quá dốc thì cỏ sả sẽ được ưu tiên vì rẻ tiền hơn và lượng sinh khối thu được nhiều hơn. Hơn nữa Vetiver không tăng trường được trong điều kiện ánh sáng yếu và sẽ chết dần.
5. Các loại cỏ bản địa
Ngoài các loại cỏ kể trên thì ở mảnh đất của bạn đang có loại cỏ gì thì cứ tận dụng triệt để. Thường nếu đất xấu, khô thì các loại cỏ chủ lực trong giai đoạn đầu ngoài cỏ Mỹ, cỏ tranh còn có cỏ hôi/bù xít, mắc cỡ, cỏ chỉ… Khi lượng hữu cơ đất tăng lên, nhiều loài cỏ lá rộng xuất hiện và lấn át dần các loài cỏ nêu trên. Đừng làm cỏ khi trồng cây mà hãy suy nghĩ cách để tận dụng tối đa các ưu thế của cỏ như lấy sinh khối, che phủ bề mặt, tăng cường ẩm độ cho đất.
Điều farm muốn nhắn nhủ sau cùng là: Trong hệ thống canh tác thuận tự nhiên thì nguyên tắc đa tầng, đa tán và đa dạng sinh học rất quan trọng. Mỗi loại cây đều tồn tại với một mục đích nhất định, ta nên nương theo đó mà tối ưu hoá mảnh vườn của mình.
Chúc bạn một tuần nhiều năng lượng nhé!!!