Có một số quan điểm cho rằng cần chú trọng cây bản địa, ưu tiên dùng các loại cây này trong vườn, còn những giống loài ngoại lai khả năng thích ứng kém và nếu có thích ứng tốt thì chúng sẽ lấn át và làm mất dần cây bản địa. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một góc nhìn về cây bản địa và cây ngoại lai, qua đó bạn có thể lựa chọn phù hợp với mảnh vườn của mình.
Cây bản địa được hiểu đơn giản là cây có nguồn gốc, xuất xứ tại địa phương và đã thích ứng tốt với điều kiện của địa phương đó. Cây lúa là một trong số cây bản địa của Việt Nam và thực tế thì có nhiều giống lúa thích hợp với nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau: lúa nước, lúa nương, lúa nếp,….
Cây ngoại lai được hiểu nôm na là cây du nhập từ quốc gia hoặc khu vực khác. Nếu chỉ xét về yếu tố ngoại lai thì chúng có thể có mặt tích cực hoặc tiêu cực. Chúng được xem là có hại khi tốc độ sinh trưởng quá nhanh, đe dọa nghiêm trọng đến hệ thực vật bản địa và đe dọa sự đa dạng sinh học (gọi là loài ngoại lai xâm lấn). Bên cạnh đó, có những loài cây ngoại lai phù hợp sinh trưởng ở địa phương và mang những đặc tính tốt có thể cải tạo, nuôi dưỡng mảnh đất tại đây mà cây bản địa chưa làm tốt vai trò. Ví dụ như công dụng của cây Vetiver trong việc kiểm soát xói mòn đất và phòng chống mảng trượt mồi (Vetiver là loại cây ngoại lai có nguồn gốc từ Ấn Độ). Hoặc cây bắp vốn dĩ là cây có xuất xứ từ châu Mỹ nhưng giờ đây lại là cây lương thực chủ đạo thứ hai tại Việt Nam (sau cây lúa).
Một trong những lý do chính người ta khuyên dùng cây bản địa là vì tính thích ứng tốt của nó và nếu xem xét trên khía cạnh này thì thiết nghĩ ta không nên đặt nặng tính bản địa hay ngoại lai. Điều đáng quan tâm là loại cây đó có giúp ích được cho vùng đất đó không, có đáp ứng được những yêu cầu ta cần lúc đó hay không. Còn về vấn đề lấn át cây bản địa thì không phải là không có giải pháp.
Trong hình là ví dụ về cây khoai mì thầy lấy về từ Indonesia (còn nguồn gốc nó ở đâu thì cũng không biết). Sức sống và sinh khối phải nói là gấp nhiều lần cây khoai mì mình biết trước giờ (tất nhiên loại này không cho củ). Cuối mùa mưa năm ngoái (tháng 11) biết là tình hình nắng năm nay khốc liệt mà cây tại chỗ có sẵn không lớn kịp để che phủ nên mấy thầy trò cắm vội một mớ cành quanh chỗ có nước. Tháng 3 năm nay khi các bạn học viên cũ quay lại thì quá đỗi ngạc nhiên khi thấy nó đã trở thành cây tầm trung với độ cao tròm trèm 5m. May quá, nhờ đám khoai mì ngoại lai này mà những căn bungalow và ca cao gần đó được hưởng bóng mát trong cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa khô.
Vậy đó, tụi mình nghĩ việc nghiên cứu thật kỹ đặc điểm của từng loại cây trồng dù là bản địa hay ngoại lai cùng với sự thấu hiểu nhu cầu của khu vườn sẽ giúp ta lựa chọn, phân bố, kết hợp một cách phù hợp và hiệu quả. Mong nhận được những chia sẻ từ bạn về câu chuyện chọn cây cho khu vườn nhé!